DẤU HIỆU CẢNH BÁO BẠN CẦN BỔ SUNG VITAMIN B

Thiếu Vitamin B gây ảnh hưởng đến sức khỏe, một số tình trạng thiếu Vitamin biểu hiện ra bên ngoài, dưới đây là dấu hiệu cảnh báo đặc trưng khi thiếu hụt một số Vitamin B, đặc biệt là thiếu Vitamin B1, B6, thiếu axit folic và Vitamin B12.

1. Vitamin B1 (Thiamin)
Vitamin B1 đóng vai trò quan trọng giúp các tế bào của cơ thể chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng, đáp ứng cho nhu cầu hoạt động hàng ngày của cơ thể. Vitamin này có vai trò điều hòa thần kinh, góp phần vào cấu trúc và chức năng của màng tế bào, giúp kích thích não bộ, cải thiện trạng thái tâm lý – cảm xúc. Vì vậy, vitamin B1 thường được gọi với cái tên “vitamin trấn an tinh thần”.
Dấu hiệu cho biết cơ thể thiếu vitamin B1:
  •  Mất cảm giác ngon miệng: dấu hiệu phổ biến đầu tiên khi thiếu thiamin là biếng ăn, chán ăn, ăn không ngon. Nguyên nhân là do vitamin B1 kiểm soát “trung tâm cảm giác no” nằm ở vùng dưới đồi của não, khi thiếu hụt dưỡng chất này, cơ thể sẽ có cảm giác no ngay cả khi có thể không.
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng: dấu hiệu này là hoàn toàn phù hợp vì vitamin B1 giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, không có gì ngạc nhiên khi gặp phải dấu hiệu này khi thiếu hụt. Mức độ mệt mỏi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt.
  • Tâm trạng dễ cáu kỉnh, khó chịu: đây là dấu hiệu được ghi nhận ở những bệnh nhân thiếu vitamin B1.
  • Giảm khả năng phản xạ của đầu gối: thiếu hụt thiamin ảnh hưởng đến các dây thần kinh vận động.
  • Cảm giác châm chích, ngứa ran ở tay, chân: các dây thần kinh ngoại vi ở cánh tay và chân phụ thuộc nhiều vào hoạt động của thiamin.
2. Vitamin B6 (Pyridoxine)
Vitamin B6 tham gia vào quá trình chuyển hóa protein, chất béo, carbohydrate thành năng lượng phục vụ tế bào và cơ thể. Ngoài ra, Vitamin B6 có ý nghĩa quan trọng giúp tạo ra các tế bào hồng cầu và chất dẫn truyền thần kinh. Đây là dưỡng chất giúp điều chỉnh tâm trạng, giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Dấu hiệu thiếu hụt Vitamin B6:
  • Phát ban da, ngứa, bong tróc: đây là dấu hiệu phổ biến khi thiếu Vitamin B6, một trong số các lý do gây nên tình trạng này là do B6 tham gia vào quá trình tổng hợp collagen – yếu tố cần thiết cho một làn da khỏe mạnh.
  • Môi nứt nẻ, sưng: sự thiếu hụt Vitamin B2, Vitamin B9, sắt cũng có thể gây nên tình trạng này.
  • Lưỡi sưng, viêm: đây là dấu hiệu của sự thiếu hụt các Vitamin nhóm B, đặc biệt là Vitamin B6, B9, B12.
  • Tâm trạng lo lắng, dễ cáu gắt, khó chịu: là do Vitamin B6 tham gia vào quá trình tạo một số dẫn truyền thần kinh như serotonin và GABA, đây là 2 chất giúp giúp kiểm soát sự lo lắng, trầm cảm và cảm giác đau.
  • Dễ bị ốm, nhiễm bệnh: khi thiếu Vitamin B6 có thể làm giảm sản xuất tế bào bạch cầu của cơ thể, làm giảm chức năng miễn dịch. Từ đó dẫn đến giảm sản xuất các kháng thể cần thiết thiết chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh.
3. Vitamin B9 (Axit folic), Vitamin B12 (Cobalamin)
Vitamin B9 có vai trò quan trọng giúp sản xuất tế bào hồng cầu và tổng hợp DNA (kiểm soát tính di truyền), tham gia vào quá trình tăng trưởng mô và chức năng tế bào, Ngoài ra, Vitamin B9 còn giúp tăng cảm giác thèm ăn và kích thích hình thành các axit tiêu hóa.
Vitamin B12 đóng vai trò thiết yếu trong tăng trưởng và phát triển của tế bào, phân chia tế bào hồng cầu. Dưỡng chất này cũng tham gia vào quá trình hoạt động của hệ thống thần kinh. Đặc biệt đối với thai nhi, vitamin B12 cùng với vitamin B9 tham gia vào quá trình đóng ống thần kinh của thai nhi, phòng ngừa dị tật ống thần kinh nếu được bổ sung đầy đủ. Nên bổ sung các Vitamin này trước khi mang thai 3 tháng để có thể đảm bảo chuẩn bị cho một một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Tình trạng thiếu hụt Vitamin B12 là rất phổ biến, được ghi nhận nhiều nhất là ở người cao tuổi. Dấu hiệu của sự thiếu hụt Vitamin này có thể mất nhiều năm mới xuất hiện, hơn nữa, sự thiếu hụt Vitamin B12 đôi khi có thể bị nhầm lẫn với sự thiếu axit folic (Vitamin B9).
Dấu hiệu thiếu axit folic, Vitamin B12:
  • Mệt mỏi dù ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm
  • hay quên
  • Táo bón
  • giảm thèm ăn
  • Trầm cảm
  • Giảm cân đột ngột
  • Đau lưỡi
  • Trải qua cảm giác ngứa ran ở bàn tay và bàn chân của bạn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top